Những điều cần biết về bệnh viêm đa khớp

Điều đáng lo ngại rằng bệnh viêm đa khớp có thể xảy ra ở bất kỳ ai, thậm chí bất kỳ độ tuổi nào. Hiện nay nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác minh rõ. Do đó, cần điều trị viêm đa khớp nhanh chóng, kịp thời để không gây biến chứng khôn lường, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống.

1. Viêm đa khớp là gì? 

Viêm đa khớp (Polyarthritis) là tình trạng viêm, đau ảnh hưởng đồng thời 5 hoặc nhiều khớp gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, khả năng thực hiện công việc hàng ngày của bệnh nhân. Viêm đa khớp thường liên quan đến các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, một số bệnh nhiễm vi-rút nhất định cũng có thể gây ra viêm đa khớp.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đa khớp

Các triệu chứng viêm đa khớp có xu hướng tương tự như các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp và các bệnh tự miễn dịch khác . Chúng có thể phát triển đột ngột hoặc trong nhiều tháng.

  • Sưng, nóng, đau và dữ dội hơn khi vận động nhiều.
  • Cứng và đau vào buổi sáng, cải thiện khi hoạt động và trầm trọng hơn khi nghỉ ngơi là các triệu chứng cổ điển củabệnh viêm khớp.

Một số triệu chứng khác có thể gặp như:

  • Phát ban;
  • Sốt;
  • Sưng hạch bạch huyết;
  • Chán ăn;
  • Mệt mỏi, suy nhược;
  • Sụt cân bất thường.

3. Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đa khớp

  • Biến chứng thường gặp của bệnh viêm khớp là cứng khớp, làm mất dần chức năng hoạt động do teo cơ, dính khớp
  • Teo cơ, biến dạng khớp do không thể vận động trong thời gian dài.
  • Tràn dịch khớp xương gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ
  • Dễ gặp các vấn đề về da như xuất hiện các mảng hồng ban, loét da, phồng rộp…
  • Viêm khớp kéo dài có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng kéo theo tại các bộ phận và nhiễm trùng huyết.
  • Tổn thương đến phần trên cột sống, tổn thương các khớp ở cổ, gây kích thích và tăng áp lực lên các dây thần kinh ngoại vi của não
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do mạch máu tại nơi viêm khớp sẽ gây tắc nghẽn và tim phải hoạt động nhiều hơn để đủ máu vận hành cơ thể.

4. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

5. Nguyên nhân dẫn đến Viêm đa khớp

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng viêm đa khớp là do quá trình lão hóa. Quá trình này khiến các tế bào xương khớp bị suy yếu, giảm chức năng hoạt động, tái tạo và phục hồi.

Ngoài ra, Viêm đa khớp có thể xảy ra do yếu tố di truyền. Một số người tự nhiên có các protein tiêu diệt bệnh tật trong cơ thể được gọi là kháng thể giúp tình trạng bệnh dễ dàng phát triển hơn.

Một số tác nhân gây bệnh cũng có thể gây ra viêm đa khớp khi cơ thể bị nhiễm trùng làm suy giảm hệ miễn dịch.

6. Những ai có nguy cơ mắc phải Viêm đa khớp?

Bệnh viêm đa khớp thường xuất hiện ở người trung niên, người cao tuổi. Tuy nhiên, ngay cả những người khoảng 40 tuổi hay trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải.

Các đối tượng thường gặp bao gồm:

  • Người có gia đình có tiền sử mắc bệnh hoặc các bệnh lý xương khớp.
  • Bệnh nhân có thói quen sống không lành mạnh, chế độ ăn uống không đảm bảo.
  • Người cao tuổi.
  • Nữ giới dễ mắc viêm đa khớp hơn nam giới.

7. Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Viêm đa khớp

Phân tích dịch cơ thể để xác định các loại viêm khớp có thể có: xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch khớp.

  • Chụp X-quang tìm ra những tổn thương trong xương
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp hình dung mô mềm như gân, sụn, dây chằng cũng như xương
  • Nội soi khớp: Trong một số trường hợp các bác sĩ có thể xem xét trong ổ khớp.

8. Phương pháp điều trị Viêm đa khớp hiệu quả

Điều trị dùng thuốc 

Thuốc được sử dụng trong điều trị thoái hóa đa khớp với mục đích giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Các loại thuốc thường được sử dụng, bao gồm:

Các thuốc giảm đau thông thường, không kháng viêm

Thường sử dụng nhất là Paracetamol (Acetaminophen) đường uống

Thuốc bôi ngoài da: bôi tại khớp đau 2-3 lần/ ngày. Các loại gel như: Voltaren Emugel.. có tác dụng giảm đau và rất ít tác dụng phụ. Có thể kết hợp các điều trị hỗ trợ như vitamin nhóm B (B1, B6, B12 ) và các thuốc giảm đau thần kinh.

Sử dụng thuốc giảm đau theo bậc thang chỉ định thuốc giảm đau theo khuyến cáo của WHO

Bậc 1: Thuốc không có morphine (paracetamol,  thuốc chống viêm không steroid liều thấp, noramidopyrin, floctafenin…).

Bậc 2: Morphin yếu (codein, dextropropoxyphen, buprenorphin, tramadol).

Bậc 3: Morphin mạnh.

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS)

Thuốc chống viêm không steroid – NSAIDs là một nhóm thuốc bao gồm các thuốc có hoạt tính chống viêm và không chứa nhân steroid giảm nhanh các triệu chứng của viêm đa khớp như: sưng khớp, cứng khớp, đau nhức. Đa số các thuốc trong nhóm cũng có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau. Các thuốc chống viêm không steroid chỉ làm giảm các triệu chứng viêm mà không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm, không làm thay đổi tiến triển của quá trình bệnh lý chính.

  • Nhóm thuốc ức chế COX không chọn lọc: Diclofenac, Ibuprofen, Naproxen
  • Nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2  bao gồm meloxicam, celecoxib, etoricoxib…

Corticoid

Corticoid giúp chống viêm rất mạnh, có thể dùng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào các khớp bị viêm đau. Điều trị bệnh viêm đa khớp với corticoid nên sử dụng trong thời gian ngắn và giảm liều từ từ để tránh tác dụng phụ (loét dạ dày, rối loạn tiêu hoá).

Các thuốc giúp kiểm soát tình trạng giảm viêm, giảm đau chỉ nên dùng trong thời gian ngắn để tránh gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Điều trị không dùng thuốc

Thay đổi lối sống

  • Thừa cân, béo phì khiến các cơn đau viêm đa khớp trở nên trầm trọng hơn. Do đó, cần duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực lên các khớp.
  • Ăn các loại thực phẩm có chỉ số GI thấp như  bánh mì nguyên hạt, mì ồn, yến mạch, sữa chua…

Vật lý trị liệu

Các phương pháp siêu âm, hồng ngoại, chườm nóng, liệu pháp suối khoáng, bùn có hiệu quả cao

Ngâm chân vào nước ấm mỗi buổi sáng với gừng trong vòng 30 phút sẽ giúp các mạch máu giãn, lưu thông máu tốt, giảm tình trạng cứng khớp.

Thiền

Kỹ thuật thiền thư giãn kết hợp yoga có thể làm giảm áp lực, nâng cao sức chịu đựng của cơ thể và giúp hỗ trợ điều trị các cơn đau do viêm khớp.

9. Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm đa khớp

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho người mới bệnh thì mới giúp tăng hiệu quả điều trị và đẩy mạnh tiến độ hồi phục. Một số loại thực phẩm cần bổ sung trong chế độ ăn của bệnh nhân bao gồm:

  • Bổ sung thực phẩm giàu Omega-3 như cá hồi, cá thu, cá trích, trứng cá, hạt chia, đậu nành, các loại quả hạch: Óc chó, hạnh nhân, mắc ca
  • Bổ sung hàm lượng vitamin và chất xơ dồi dào giúp tăng cường miễn dịch. Những thực phẩm có hàm lượng vitamin cao như bông cải xanh, cà chua, cà rốt, bí, nấm hương và đặc biệt, các loại rau có màu xanh đậm: cải xoăn, cần tây… chứa hàm lượng vitamin K cao, ngăn ngừa mắc các bệnh loãng xương.
  • Bổ sung canxi qua sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai có chứa nhiều canxi và vitamin D, làm tăng sức mạnh của xương. Vitamin D rất cần thiết cho sự hấp thụ canxi và tăng cường hệ miễn dịch.

Chế độ sinh hoạt

  • Thường xuyên tập thể dục giúp các khớp dẻo dai
  • Lựa chọn môn thể thao phù hợp như bơi lội, yoga tăng độ dẻo dai cho khớp. Tránh các bài tập cường độ mạnh như chạy nhanh, đạp xe đạp
  • Dùng gói chườm nóng hoặc chườm lạnh để giảm tình trạng viêm đau khớp.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ để bảo vệ các khớp và cải thiện khả năng vận động.
  • Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực lên các khớp.
  • Tránh những thói quen xấu ảnh hưởng tới xương khớp như bẻ ngón tay, ngón chân.
  • Tránh mang vác vật dụng nặng, làm việc không đúng tư thế.
  • Khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm và điều trị các bệnh khác.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Theo: benhvien108.vn

update
CHUYÊN GIA từ HỌC VIỆN QUÂN Y  giới thiệu sản phẩm chuyên biệt dành cho bệnh nhân viêm đau, thoái hoá khớp – ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU CẤP NHÀ NƯỚC

4516 Bình luận

5/5 - (1 bình chọn)