Bệnh tiểu đường (Đái tháo đường): Thiếu sản xuất insulin của tuỵ

Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính ngày càng phổ biến và đang trẻ hoá dần về độ tuổi mắc bệnh. Với các hậu quả và biến chứng phức tạp, thì đây là căn bệnh cần được quan tâm tìm hiểu để có các biện pháp phòng ngừa, nhận biết cũng như điều trị kịp thời.

1. Tìm hiểu chung

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là gì? 

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh mạn tính gây ra do thiếu sản xuất insulin của tuỵ hoặc tác dụng insulin không hiệu quả do nguyên nhân mắc phải hoặc do di truyền với hậu quả tăng glucose máu. Tăng glucose máu gây tổn thương nhiều hệ thống trong cơ thể đặc biệt là mạch máu và thần kinh.

2. Triệu chứng thường gặp:

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)
Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường xuất hiện đột ngột nhưng có thể xảy ra từ từ trong vòng một vài ngày hoặc vài tuần. Triệu chứng lâm sàng thường được gọi là hội chứng 4 nhiều:

  • Ăn nhiều;
  • Uống nhiều;
  • Tiểu nhiều;
  • Sụt cân nhiều.

Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, buồn ngủ do glucose không vào được tế bào, cơ thể thiếu năng lượng, dễ bị nhiễm khuẩn ngoài da, lao phổi. Cường độ và tốc độ xuất hiện của các triệu chứng, biến chứng khác nhau tuỳ theo từng bệnh nhân.

Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2 giống tuýp 1 nhưng thường ít được phát hiện hơn, có thể được chẩn đoán vài năm sau khi xuất hiện triệu chứng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)

Các biến chứng cấp tính thường do chẩn đoán muộn, điều trị không thích hợp hoặc do bệnh gan hoặc nhiễm khuẩn cấp tính bao gồm hôn mê nhiễm toan thường xảy ra ở đái tháo đường tuýp 1 hoặc các tuýp khác khi bị nhiễm trùng, stress,…; hạ glucose máu (2,2-3,3 mmol/L) do tác dụng phụ hoặc quá liều thuốc điều trị, giảm khẩu phần ăn hay giờ ăn muộn hơn thường ngày, gắng sức; hôn mê nhiễm toan acid lactic; nhiễm trùng cấp như nhiễm trùng da, lao phổi, viêm tuỷ xương,…

Biến chứng mạn tính gồm:

  • Biến chứng mạch máu lớn: Bệnh mạch vành, bệnh mạch máu não, bệnh mạch máu ngoại vi.
  • Biến chứng mạch máu nhỏ: Bệnh lý bàn chân, biến chứng ở mắt như bệnh lý võng mạc, đục thuỷ tinh thể và glaucom; biến chứng ở thận gây tổn thương cầu thận, biến chứng thần kinh ngoại vi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

3. Nguyên nhân gây bệnh:

Nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường (đái tháo đường)

Đái tháo đường có hai dạng chính là đái tháo đường tuýp 1 (còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin – IDDM) do tuyến tuỵ không tiết đủ insulin, thường xảy ra ở trẻ em, thanh thiếu niên, người trưởng thành và đái tháo đường tuýp 2 (còn gọi là đái tháo đường không phụ thuộc insulin – NIDDM) do thế bào beta tuỵ giảm tiết insulin, không đủ để duy trì nồng độ đường huyết, tế bào đích giảm nhạy cảm với insulin (đề kháng insulin) hoặc cả hai.

Ngoài ra, còn có đái tháo đường thai kỳ do rối loạn dung nạp glucose thường gặp trong 3 tháng cuối thai kỳ ở 3-5% phụ nữ có thai và các dạng đái tháo đường thứ cấp gồm đái tháo đường của người trẻ khởi phát ở độ tuổi trưởng thành (MODY), bệnh tuỵ ngoại tiết; bệnh to cực, hội chứng Cushing; nhiễm siêu vi gây tổn thương tuyến tuỵ.

Đái tháo đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ tử vong cho cả mẹ và bé

Nguyên nhân do các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, nhiễm trùng,… làm giảm hoặc mất chức năng bài tiết insulin của tế bào beta tuỵ. Ngoài ra, béo phì cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh đái tháo đường tuýp 2 do làm giảm thể tiếp nhận insulin tại tế bào.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Tăng huyết áp, rối loạn chuyển hoá lipid, di truyền nhiễm virus (quai bị, sởi,…), thói quen ít vận động, ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, sử dụng nhiều chất kích thích như rượu, thuốc lá,…; phụ nữ mang thai, sinh con trên 4 kg hoặc bị sẩy thai hoặc bị đa ối hoặc sử dụng thuốc corticoid, thuốc ngừa thai, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, diazoid,…

4. Nguy cơ mắc phải:

Những ai có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)

  • Tuổi ≥ 45;
  • Thừa cân hoặc béo phì;
  • Lối sống ít vận động;
  • Tiền sử gia đình có đái tháo đường;
  • Tiền sử có suy giảm điều hòa glucose;
  • Đái tháo đường thai kì hoặc cân nặng sau sinh > 4,1 kg;
  • Tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch;
  • Rối loạn lipid máu;
  • Hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Người chủng tộc da đen, người Tây Ba Nha, người Mỹ gốc Á hoặc gốc Ấn Độ;

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)

  • Hút thuốc lá;
  • Béo phì, ít vận động;
  • Phụ nữ mang thai,…

5. Phương pháp chuẩn đoán và điều trị:

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh tiểu đường (đái tháo đường)

Đái tháo đường được gợi ý bởi các triệu chứng và dấu hiệu điển hình và được chứng minh bằng định lượng glucose huyết tương. Định lượng sau khi đói từ 8-12 giờ (FPG) hoặc sau 2 giờ uống 75 g (người lớn) hoặc 1,75 g (trẻ em) dung dịch glucose đậm đặc (nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống) là tốt nhất. Trong thực hành, đái tháo đường hoặc rối loạn glucose lúc đói thường được chẩn đoán bằng sử dụng định lượng glucose huyết tương ngẫu nhiên hoặc HbA1c. Cụ thể như sau:

Đường huyết bất kỳ ≥ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) kết hợp với các triệu chứng tăng đường huyết.

Đường huyết lúc đói được thử khi nhịn đói qua đêm và ít nhất 2 lần thử:

  • <100 mg/dL là bình thường.
  • ≥100 mg/dL và <126 mg/dL (nhưng nghiệm pháp dung nạp glucose bình thường): Rối loạn đường huyết lúc đói.
  • ≥126 mg/dL (7,0 mmol/L): Đái tháo đường.

Nghiệm pháp dung nạp glucose:

  • <140 mg/dL (7,8 mmol/L): Dung nạp bình thường.
  • ≥140 mg/dL và <200 mg/dL: Rối loạn dung nạp glucose.
  • ≥200 mg/dL ( 11,1 mmol/L): Đái tháo đường.

Định lượng HbA1c phản ánh nồng độ glucose trong 3 tháng trước. Định lượng HbA1c hiện được đưa vào tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường:

  • HbA1c ≥ 6,5%: Đái tháo đường.
  • HbA1c 5,7 đến 6,4%: Tiền đái tháo đường hoặc nguy cơ đái tháo đường.
  • Tuy nhiên, giá trị HbA1c có thể cao hoặc thấp giả nên xét nghiệm phải thực hiện ở phòng thí nghiệm lâm sàng được chứng nhận.

Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường (đái tháo đường) hiệu quả

Điều trị gồm kiểm soát đường máu để giảm biến chứng và phòng biến chứng với tối thiểu cơn hạ đường máu. Mục tiêu cho kiểm soát đường máu là:

  • Glucose máu trước ăn từ 80 đến 130 mg/dL (4,4 và 7,2 mmol/L).
  • Đỉnh glucose máu sau ăn (1-2 giờ sau bắt đầu bữa ăn) < 180 mg/dL (10 mmol/L).
  • HbA1C < 7%.

Điều trị không dùng thuốc:

  • Chế độ ăn – dinh dưỡng: Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với mức độ thừa cân, nhu cầu, thói quen, phác đồ điều trị,…của từng bệnh nhân, thông thường gồm 45-65% carbohydrat, 25-35% chất béo (chất béo bão hoà < 7%) và 10-35% protein.
  • Vận động thể lực: Giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bằng cách giảm hoặc duy trì cân nặng, vận động 30-45 phút mỗi ngày x 3-5 ngày/tuần hoặc 150 phút/tuần với cường độ tập trung bình.
  • Tất cả bệnh nhân đái tháo đường nên được tiêm phòng Streptococcus pneumoniae (1 lần) và virus cúm (hàng năm).

Điều trị bằng thuốc:

  • Đái tháo đường tuýp 1: Insulin.
  • Đái tháo đường tuýp 2: Thuốc hạ đường huyết đường uống hoặc thuốc tiêm. Insulin thường bổ sung khi ≥ 3 thuốc thất bại kiểm sát đường máu.

Các thuốc hạ đường huyết đường uống bao gồm:

  • Sulfonylureas là thuốc kích thích tụy tiết insulin. Các thuốc này làm hạ glucose máu bằng cách kích thích tế bào beta của tụy tiết insulin và tăng nhạy cảm insulin với các mô ngoại vi và tại gan. Hầu hết bệnh nhân dùng sulfonylureas đơn trị liệu thì đều cần kết hợp với nhóm thuốc khác để đạt hiệu quả.
  • Các thuốc kích thích tiết insulin tác dụng ngắn như (repaglinide, nateglinide) kích thích tiết insulin tương tự như sulfonylureas. Chúng tác dụng nhanh hơn, tuy nhiên kích thích tiết insulin nhiều hơn trong bữa ăn so với các thời điểm khác. Vậy nên, đặc biệt hiệu quả trong việc hạ glucose máu sau ăn và ít có nguy cơ hạ đường máu.
  • Biguanides (metformin) làm giảm lượng glucose trong huyết tương bằng cách giảm sản xuất glucose ở gan (tạo gluconeogenesis và glycogenolysis).
  • Thiazolidinediones (TZDs) (bao gồm troglitazone, rosiglitazone, pioglitazone) làm giảm đề kháng insulin ở mô ngoại vi (chất nhạy cảm với insulin), nhưng đi kèm với  nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Ức chế anpha-glucosidase: Ức chế enzym ruột, do đó làm giảm glucose máu sau ăn. Chất ức chế apha-glucosidase kém hiệu quả hơn so với các thuốc uống khác trong việc giảm glucosse máu, bệnh nhân thường ngừng thuốc do khó thở, thừa dịch và tiêu chảy.
  • Chất ức chế dipeptidyl peptidase-4 (ví dụ, alogliptin, linagliptin, saxagliptin, sitagliptin).
  • Thuốc ức chế SGLT2 như canaglifozin, dapaglifozin, empaglifozin ức chế SGLT2 ở phần gần ống thận, nó ức chế tái hấp thu glucose bởi vậy nó gây ra glucose niệu và làm giảm glucose máu. Empagliflozin đã được chứng minh là làm giảm các biến cố tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao.

Thuốc hạ glucose máu đường tiêm:

  • Đồng vận thụ thể GLP-1: Liraglutide, dulaglutide, albiglutide, làm tiết insulin phụ thuộc glucose và chậm làm trống dạ dày.
  • Pramlintide tương tự amylin là một hormon do tế bào beta tụy tiết ra, giúp làm giảm nồng độ glucose sau ăn. Pramlintide làm chậm bài tiết glucagon sau ăn, làm chậm quá trình làm trống dạ dày, giúp no lâu. Được sử dụng đường tiêm, dạng kết hợp với insulin.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

6. Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh tiểu đường (Đái tháo đường)
Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Tăng cường vận động thể lực phù hợp.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
  • Chọn các nội dung liệt kê phù hợp với tình trạng bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol và lượng carbohydrate trung bình, tốt nhất là từ các nguồn ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng chất xơ cao hơn.

Phương pháp phòng ngừa bệnh tiểu đường (Đái tháo đường) hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục nâng cao sức khoẻ, duy trì cân nặng hợp lý.
  • Bỏ thuốc lá, tránh uống nhiều rượu bia.
  • Tầm soát đái tháo đường định kỳ.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Theo benhvien108.vn

5/5 - (2 bình chọn)