Đông y cho rằng: “Bệnh ở phế ho có đờm, hoặc ho khan. Buổi sáng ho nhiều là do trong vị (dạ dày) có hỏa, buổi tối ho nhiều là do phế âm hư”. Chứng phế âm hư là do tân dịch bị tiêu hao, phế mất đi sự nhu dưỡng, âm dịch không đủ, sự tuyên giáng của phế bị giảm sút, hư nhiệt từ trong sinh ra hoặc do lao thương quá độ mà sinh bệnh.
Chứng phế âm hư thường thể hiện trên nhiều bệnh nền khác nhau, nên việc chẩn đoán và điều trị cũng không giống nhau. Vì âm hư nên dẫn đến hỏa vượng, hỏa thiêu đốt tân dịch. Chứng này thường gặp về mùa thu khí táo. Phế của con người thuộc tạng non nớt, chủ về trị tiết (bài tiết) bên ngoài thông với bì mao, nên dễ bị cảm nhiễm hàn, nhiệt.
Chứng phế âm hư nói chung và của người cao tuổi nói riêng thường gặp trong các tình huống như: do bệnh tật lâu ngày phế âm bị hư tổn, làm giảm cơ năng bảo vệ bên ngoài, dễ cảm nhiễm ngoại tà mà sinh ra các bệnh thuộc biểu chứng như sốt cao, sợ rét, đau đầu, ngạt mũi, ho khan, đau họng… Hoặc do phế âm vốn hư tổn làm liên lụy đến tỳ vị mà sinh ra chứng ăn uống kém, bụng đầy trướng, rối loạn tiêu hóa… Hoặc do phế âm từ trẻ bị suy tổn mà sinh ra chứng âm hư hỏa vượng. Hỏa làm tổn thương phế lạc (kinh lạc trong phổi) mà sinh ra chứng ho ra máu, sốt nhẹ về chiều hai gò mà đỏ (chứng này không phải ho lao).
Vị thuốc sa sâm trong bài thuốc điều trị chứng âm hư.
Tùy từng trường hợp mà dùng bài thuốc điều trị như sau:
Do phế âm hư sinh chứng ho khan: Tân dịch trong phế bị tổn thương, phế mất đi sự nhu nhuận, nhiệt từ trong phế sinh ra nghịch lên mà thành bệnh.
Triệu chứng: Ho khan, ít đờm, trong đờm có lẫn máu, họng khô, sốt từng cơn, hai gò má đỏ.
Điều trị: Tư âm dưỡng phế trừ ho.
Bài thuốc “Sa sâm mạch đông thang”: Sa sâm 12g, mạch môn 12g, ngọc trúc 8g, thiên hoa phấn 12g, bạch biển đậu 8g, tang diệp 8g, chích thảo 4g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho thích hợp.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.
Do phế lao sinh chứng phế âm hư: Trực trùng lao làm tổn thương phế, tân dịch bị hư hao, âm hư phế mất chức năng thăng giáng, phế khí nghịch lên mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Ho khan kéo dài, ít đờm, trong đờm có lẫn máu, đau tức ngực, sốt về chiều, ra mồ hôi trộm, hai gò má đỏ, bệnh thuộc loại truyền nhiễm.
Điều trị: Thanh phế, dưỡng âm sát trùng, chỉ ho.
Bài thuốc “Bách hợp cố kim thang”: Sinh địa 16g, mạch môn 12g, đương qui 12g, huyền sâm 12g, xuyên bối mẫu 8g, thục địa 16, bách hợp 20g, bạch thược 12g, cát cánh 12g, chích thảo 4g. Gia bách bộ 12g, thập đại công lao diệp 12g. Tùy theo chứng trạng của bệnh nhân có thể gia thêm một số vị khác.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc còn ấm.
Bệnh ở phế ho có đờm, hoặc ho khan là do phế âm hư.
Do phế âm hư sinh chứng khái huyết (ho ra máu): Phế âm hư làm sự thanh túc của phế bị hạn chế, vì âm hư sinh chứng hỏa vượng, hỏa hun đốt phế lạc mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Ho có ít đờm, trong đờm có lẫn máu đỏ tươi, đau vùng ngực khó chịu, sốt từng cơn, ra mồ hôi trộm, hai gò má đỏ, miệng khô họng ráo.
Điều trị: Tư âm nhuận phế lương huyết, chỉ khái.
Bài thuốc “Bách hợp cố kim thang” phối hợp với bài “Tứ sinh hoàn”: Hà diệp (lá sen) 20g, sinh địa 12g, trắc bá diệp 16g, ngải diệp 6g.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn khi thuốc còn ấm.
Do phế âm hư sinh chứng phế nuy (xẹp phổi): Vì phế âm bất túc, hư hỏa hun đốt làm tân dịch của phế khô kiệt mà sinh bệnh.
Triệu chứng: Ho khạc ra bọt có màu đục, chất dính khạc ra khó khăn, suyễn thở, cơ thể gầy còm, lông tóc khô giòn, họng khô miệng khát.
Điều trị: Tư âm thanh nhiệt nhuận phế.
Bài thuốc “Mạch môn đông thang” hoặc bài “Thanh táo cứu phế thang”: Mạch môn 16g, cam thảo 6g, nhân sâm 12g, bán hạ (chế) 10g, ngạnh mễ (gạo để lâu năm) 20g, đại táo 12g, thanh cao 12g, tang diệp 12g, hạnh nhân 8g, hồ ma nhân (hạt đay) 6g, a giao 8g, tỳ bà diệp 1 lá.
Cách dùng: Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.
Theo sức khoẻ đời sống
Cẩm nang bạn nên biết: