Thuốc và món ăn cho sản phụ ít sữa, thiếu sữa

Sau khi đẻ, nhiều sản phụ không có sữa hoặc ít sữa, còn gọi là sữa không xuống. Nguyên nhân do chị em bị mất máu nhiều trong khi sinh nở làm khí huyết hư nhược không sinh sữa được; hoặc do huyết hôi ra ít, huyết ứ đình lưu, khí mạch ủng trệ, kinh mạch bị trở ngại mà không có sữa.

Sản phụ sau đẻ khí huyết bị hư nhược thường có các biểu hiện: sữa không xuống hoặc xuống ít, vú không căng đau, sắc mặt xanh nhợt hoặc sạm vàng, da khô, mỏi mệt, đầu choáng, tai ù, hồi hộp, đoản khí, tự ra mồ hôi, ăn ít, đại tiện lỏng, tiểu dắt, lưỡi nhợt ít rêu, mạch tế hư. Phương pháp chữa là bổ khí huyết, thông sữa. Dùng một trong các bài thuốc:

Bài 1: bạch truật 12g, thục địa 12g, đảng sâm 16g, ý dĩ 16g, hoài sơn 16g, kỷ tử 12g, xuyên khung 8g, mộc thông 8g, thông thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 2 – Thông nhũ đan gia giảm: đảng sâm 16g, hoàng kỳ 12g, đương quy 8g, mạch môn 8g, cát cánh 6g, mộc thông 8g, thông thảo 6g, móng giò lợn 2 cái. Sắc uống ngày 1 thang.

Phép điều dưỡng: Mỗi ngày chị em nên dùng 3-5 cái móng giò lợn ninh lấy nước uống, chỉ trong 5-6 ngày là có sữa; hoặc mỗi ngày lấy vài con cá diếc, ninh lấy nước uống, trong 3-4 ngày sẽ nhiều sữa.

Khi đã có sữa, muốn có nhiều hơn, nên dùng bài Bát trân thang để bổ khí huyết: nhân sâm 8g, bạch linh 8g, bạch truật 8g, cam thảo 6g, xuyên khung 6g, đương quy 8g, thục địa 8g, bạch thược 8g, sinh khương 3 lát, hồng táo 5 quả. Sắc uống ngày 1 thang.

Lưu ý: Không dùng mạch nha, sơn tra, thần khúc, là những vị thuốc làm mất sữa.

 

Đẳng sâm là vị thuốc trong bài Thông nhũ đan gia giảm, dùng tốt cho sản phụ không có sữa, thiếu sữa.

Một số món ăn thuốc chữa sản phụ ít sữa:

Canh chân giò: móng giò 2 cái, mộc thông 20g. Mộc thông nấu lấy nước (bỏ bã) nấu với chân giò, thêm gia vị thích hợp.

Cháo chân giò: móng giò 1 cái, gạo tẻ 100g vo sạch. Nấu thành cháo, thêm gia vị.

Chân giò hầm đậu phộng: lạc hạt 90g, móng giò 1 cái. Lạc hạt nghiền vụn, móng giò làm sạch chặt khúc, thêm gia vị hầm nhừ.

Chân giò hầm thông thảo: chân lợn đen 1 cái, thông thảo 4g, có thể thêm nhân sâm 2-4g. Chân lợn làm sạch chặt nhỏ, hầm với thông thảo và nhân sâm. Món này rất tốt cho sản phụ sau đẻ ít sữa.

Vừng đen ăn với chân giò hầm: móng chân giò 1 cái, vừng đen 250g. Vừng đen rang chín, tán mịn để sẵn. Mỗi lần ăn 10-15g, ăn kèm với canh chân giò hầm, ngày 3 lần.

Kết hợp châm cứu hoặc day ấn các huyệt: chiên trung, thiếu trạch, nhũ căn, hợp cốc, túc tam lý, tỳ du, trung quản.

Nhĩ châm: vị trí tuyến vú, tuyến nội tiết, can.

Vị trí huyệt:

Chiên trung: ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 đầu núm vú (nam giới) hoặc ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (phụ nữ).

Thiếu trạch: cạnh góc trong chân móng tay út cách 0,1 tấc, trên đường tiếp giáp da gan tay – mu tay.

Nhũ căn: ở giữa gian sườn 5, thẳng dưới đầu vú, cách đường giữa ngực 4 tấc.

Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Túc tam lý: dưới mắt gối ngoài 3 tấc, phía ngoài xương mác khoảng 1 khoát ngón tay, nơi cơ cẳng chân trước, khe giữa xương chày và xương mác. Hoặc úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 tấc là huyệt.

Tỳ du: dưới gai sống lưng 11 đo ngang ra 1,5 tấc, ngang huyệt tích trung.

Trung quản: lỗ rốn thẳng lên 4 tấc, hoặc lấy ở điểm giữa của đoạn thẳng nối rốn – và đường gặp nhau của 2 bờ sườn.

Theo sức khoẻ đời sống

5/5 - (1 bình chọn)