Các thuốc điều trị viêm dạ dày cấp và mạn tính

Viêm dạ dày được xác định bằng việc hiện diện tổn thương viêm. Viêm dạ dày có thể tiến triển cấp tính, mạn tính, lan tỏa hay khu trú tại một vùng của dạ dày.

Viêm dạ dày được xác định bằng việc hiện diện tổn thương viêm. Viêm dạ dày có thể tiến triển cấp tính, mạn tính, lan tỏa hay khu trú tại một vùng của dạ dày. Khi bị viêm dạ dày, người bệnh chủ yếu được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh kết hợp một số thuốc khác.

Viêm dạ dày cấp và các thuốc điều trị

Viêm dạ dày cấp là phản ứng viêm cấp tính của niêm mạc dạ dày, biểu hiện thường rầm rộ: đau vùng thượng vị dữ dội, cồn cào, nóng rát, có khi âm ỉ, ậm ạch khó tiêu; kèm theo buồn nôn, hoặc nôn nhiều, ăn xong nôn ngay, nôn hết thức ăn thì nôn ra dịch chua, có khi nôn cả ra máu, có thể có sốt. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán viêm dạ dày cấp chủ yếu dựa vào thăm khám lâm sàng và nội soi dạ dày. Khi mắc bệnh, được điều trị bằng chế độ ăn uống và dùng thuốc. Về chế độ ăn uống, lúc đầu nhịn ăn 1- 2 ngày, sau rồi uống sữa, ăn súp, ăn mềm rồi ăn cơm bình thường. Dùng thuốc chữa triệu chứng bao gồm:

Thuốc chống co thắt, chống nôn, có tác dụng giảm đau, giảm co bóp của dạ dày, giảm tiết dịch acid, từ đó giảm đau cho bệnh nhân, gồm: atropin, buscolysin.

Các thuốc chống co thắt cơ trơn (giảm co bóp cơ trơn của thành dạ dày, từ đó giảm co bóp của dạ dày, giảm đau), gồm: papaverin, spasmaverin.

Thuốc điều hòa nhu động dạ dày, ruột bao gồm thuốc chống co thắt giảm đau có thể dùng một trong những loại sau: spasmaverin; meteospasmyl. Thuốc điều hoà nhu động dạ dày có thể dùng metoclopramid HCL (primperan); domperidone maleate (motilium- M). Thuốc tác động lên thần kinh trung ương (có tác dụng trấn tĩnh, an thần kinh) như: sulpiride (dogmatyl), seduxen, bromazepin (lexomyl).

Thuốc trung hòa acid, bảo vệ niêm mạc dạ dày (có bản chất là các bazơ, trung hoà bớt một phần acid trong dịch vị của dạ dày, từ đó giảm tác hại của acid lên niêm mạc dạ dày, giảm đau) có thể dùng phosphalugel gastropulgite.

Thuốc băng phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày (có tác dụng tạo một hàng rào che phủ niêm mạc dạ dày), gồm: bismuth subcitrat, sucralfat. Nhóm thuốc muối bismuth gồm các tinh thể muối này gắn chặt với các albumin của dịch rỉ viêm và các glyco protein tạo thành một màng bọc, có tác dụng củng cố hàng rào bảo vệ niêm mạc như: trymo, pylocid, denol hoặc sucralfate. Thuốc này liên kết với pepsin và muối mật phủ lên vùng niêm mạc bị viêm

Thuốc ức chế tiết Acid H2 (có tác dụng giảm tiết acid ở dạ dày) như: cimetidin, ranitidin, famotidin. Ngoài ra, có thể sử dụng nhóm thuốc trung hoà acid (có bản chất là các bazơ, sẽ trung hoà một phần acid HCl trong dịch vị): gastropulgit, maalox, phosphalugel.

Thuốc ức chế bơm proton (có tác dụng giảm tiết acid của dạ dày tương tự như thuốc ức chế H2): omeprazole, lansoprazole, esomeprazol.

Rửa dạ dày nếu do ngộ độc hoặc uống phải các chất acid, dùng dung dịnh NaOH 0,2% lạnh qua sonde dạ dày để rửa. Truyền dịch bù nước, điện giải nếu nôn nhiều. Truyền dịch, truyền máu nếu có chảy máu tiêu hoá gây tình trạng thiếu máu. Nếu bệnh nhân dị ứng thì dùng dimedrol hoặc pipolphen chống dị ứng.

Nội soi dạ dày. Ảnh: Trần Minh

Các thuốc dùng trong viêm dạ dày mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính là phản ứng viêm có tính chất mạn tính, tiến triển từ từ của niêm mạc dạ dày, do các tác nhân khác nhau gây nên, có nguy cơ dẫn tới viêm teo niêm mạc dạ dày, có thể có dị sản, loạn sản và một phần nhỏ có thể tiến triển thành ung thư dạ dày. Khi bị bệnh, người bệnh có cảm giác nặng bụng, trướng bụng, ợ hơi, nhức đầu, mặt đỏ, cảm giác đắng miệng vào buổi sáng, buồn nôn, nôn, chán ăn, đi tiêu táo, lỏng thất thường. Nóng rát vùng thượng vị xuất hiện sau hoặc trong khi ăn, đặc biệt rõ sau ăn uống một số thứ như: bia, rượu, rượu vang trắng, gia vị cay, chua hoặc ngọt. Đau vùng thượng vị nhưng không đau dữ dội, thường chỉ là cảm giác khó chịu, âm ỉ thường xuyên tăng lên sau khi ăn.

Bệnh nhân cần được điều trị bằng cách loại trừ các nguyên nhân gây bệnh, diệt trừ vi khuẩn Helicobacter Pylori nếu có, dùng các thuốc kích thích sản xuất chất nhầy duy trì sự tái sinh của niêm mạc, cải thiện tuần hoàn của niêm mạc và điều trị các rối loạn chức năng liên quan tới vận động và tiết dịch của dạ dày. Về chế độ ăn uống, cần tránh tuyệt đối các thức ăn gây kích thích niêm mạc dạ dày: rượu, bia, thuốc lá, thức ăn chua, cay, không nên uống các loại nước ngọt có nhiều hơi ga. Nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa không nên ăn quá no.

Trong đợt tiến triển của viêm dạ dày mạn tính, các thuốc được sử dụng bao gồm nhóm thuốc bảo vệ, bọc phủ niêm mạc dạ dày, thuốc trung hòa acid, thuốc điều chỉnh chức năng vận động dạ dày. Ngoài ra, còn sử dụng thêm một số nhóm thuốc sau:

Nhóm thuốc tăng bài tiết nhầy, tái sinh niêm mạc có tác dụng, cải thiện tuần hoàn của niêm mạc dạ dày (tăng bài tiết nhầy, tái sinh niêm mạc, cải thiện tuần hoàn của niêm mạc dạ thông qua việc làm tăng prostaglandin E2). Các thuốc có thể dùng như: cytotec, selbex, pepsane.

Nhóm thuốc điều chỉnh hỗ trợ chức năng tiết acid của dạ dày: nếu giảm toan dịch vị dạ dày, người bệnh có thể uống dung dịch acid clohydric 1%.

Nhóm diệt vi khuẩn Helicobacter pylori: kết hợp 2-3 kháng sinh hoặc phối hợp 2 kháng sinh với muối bismuth hoặc với một thuốc ức chế acid. Nếu vi khuẩn kháng thuốc, có thể thay thế bằng tinidazol hoặc clarythromycin.

Theo sức khoẻ đời sống

5/5 - (1 bình chọn)