Theo y học cổ truyền, khí hậu khô hanh vào mùa thu gây ra loại nhiệt bệnh ngoại cảm gọi là thu táo. Lúc đầu tà vào phần vệ khí sau đó vào phần phế khí. Xin giới thiệu một số bài thuốc và món ăn trị bệnh.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Khi tà còn ở phần vệ khí
Khí táo làm tổn thương phế, tổn thương tân dịch. Người bệnh sốt, hơi sợ lạnh, nhức đầu, ra mồ hôi ít, ho khan hay ho ít đờm mà dính, mũi khô, họng khô, lưỡi đỏ, khát nước, rêu lưỡi trắng, mạch sác. Phương pháp chữa là tân lương nhuận phế.
Bài thuốc:
Bài 1 – Tang hạnh thang (Ôn bệnh điều biện): tang chi 8g, hạnh nhân 16g, sa sâm 12g, bối mẫu 8g, hương xị 8g, chi bì (vỏ quả chi tử) 8g, lệ bì (vỏ hạt quả vải) 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng thanh tuyên táo nhiệt, nhuận phế chỉ khái. Trị ho không đờm, họng khô khát, phế bị táo, ôn, viêm đường hô hấp trên.
Bài 2 – Tang cúc ẩm (Ôn bệnh điều biện): hạnh nhân 10g, liên kiều 10g, bạc hà 4g, tang diệp 12g, cúc hoa 8g, cát cánh 10g, cam thảo 4g, lô căn 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Trị phong ôn mới phát, ho, cơ thể sốt, cảm cúm, viêm phế quản, viêm đường hô hấp cấp tính.
Tang chi (cành dâu phơi sấy khô) là vị thuốc trong bài Tang hạnh thang trị viêm phế quản (thu táo) khi tà còn ở phần vệ khí.
Thực đơn chữa bệnh:
Nước la hán hạnh nhân: la hán quả 1 quả, hạnh nhân 10g. La hán nghiền đập vụn, hạnh nhân giã dập, cùng sắc lấy nước, thêm chút đường uống. Ngày 1 lần. Dùng cho các trường hợp viêm khí phế quản, cảm mạo ho có đờm nhiều.
Hạnh lê ẩm: hạnh nhân 10g, lê 1 quả to gọt vỏ thái lát. Cả 2 thứ nấu chín, thêm chút đường phèn khuấy cho tan đều. Dùng tốt cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp tính dạng viêm khô, nóng sốt, ho khan ít đờm .
Khi tà vào phần phế khí
Táo nhiệt làm tổn thương phế. Người bệnh sốt, ho nhiều không đờm, suyễn, mũi họng khô, bực dọc, khát, nhức đầu, rêu lưỡi khô trắng mỏng, cạnh lưỡi và đầu lưỡi đỏ thẫm, mạch phù sác. Phương pháp chữa là thanh phế nhuận táo chỉ khái.
Bài thuốc
Bài 1 – Thanh táo cứu phế thang (Y môn pháp luật): a giao 16g, hồ ma nhân 12g, tang diệp 12g, cam thảo 4g, đảng sâm 12g, mạch môn 16g, hạnh nhân 12g, tỳ bà diệp (bỏ lông chích mật) 8g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị tà ở phần khí biểu hiện sốt, ho khan không đờm, thở nghịch lên, họng khô, mũi khô, ngực đầy sườn đau.
Bài 2: tang bạch bì 12g, mạch môn 12g, lá tre 12g, lá hẹ 8g, sa sâm 12g, thạch cao 16g, thiên môn 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Thực đơn chữa bệnh:
Nhuận phế tán: qua lâu 1 quả bỏ hạt tán mịn, trộn với bột củ năng thành bánh, nướng chín vàng, tán bột. Mỗi lần uống 3g. Hòa với nước sôi thêm đường cho uống ngày 3 lần. Dùng cho trẻ em ho khan do viêm khí phế quản, sốt nóng, ho gà dài ngày (bách nhật khai).
Lê hấp đường phèn bối mẫu: lê 1 quả to, xuyên bối mẫu 3g, đường phèn 6g. Lê gọt vỏ, tách bỏ hạt; bối mẫu tán bột. Tất cả cho vào nồi hầm chín rồi ăn. Dùng tốt cho người bị viêm khô khí phế quản ho ít đờm, lao phổi ho khan, ho gà, ho do dị ứng, viêm họng.
Trúc lịch chúc: trúc lịch (nước ép tre vầu tươi) 100ml, gạo tẻ 80-100g. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho trúc lịch vào khuấy đều, chia ăn 2 lần trong ngày. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản sốt nóng, ho đờm ít vàng dính, đau tức vùng ngực, đờm có thể có tia máu, khó thở.
Hạnh nhân ướp đường phèn: hạnh nhân 30g, đường phèn 30g. Hạnh nhân đập bỏ vỏ cứng, đường phèn nghiền đập vụn, trộn đều. Mỗi lần ăn 9g, ngày 2 lần. Dùng tốt cho người viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày, đờm dính.
Kết hợp châm cứu hoặc day ấn các huyệt: trung phủ, phế du, xích trạch, thái uyên, hợp cốc, khúc trì. Ngày làm 1 – 2 lần, mỗi huyệt trong 1 – 2 phút.
Vị trí huyệt
Trung phủ: dưới cuối ngoài xương đòn gánh khoảng 1 tấc, hoặc giữa xương sườn 1 và 2, cách đường giữa ngực 6 tấc.
Phế du: dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 tấc, ngang huyệt thân trụ.
Xích trạch: gấp nếp khuỷu tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.
Thái uyên: huyệt nẳm trên lằn chỉ ngang cổ tay, nơi chỗ lõm trên động mạch tay quay, dưới huyệt là rãnh mạch tay quay.
Hợp cốc: khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.
Khúc trì: co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.
Theo sức khoẻ đời sống