Bệnh gút là một dạng đau đớn tột cùng của bệnh viêm khớp, thường ảnh hưởng đến khớp ngón cái của bàn chân và các khớp khác. Các yếu tố dinh dưỡng (chẳng hạn như thịt đỏ và rượu), có thể gây ra cơn đau gút. Tuy nhiên, một số loại thuốc và tình trạng sức khỏe hoặc thói quen sinh hoạt có thể làm khởi phát cơn đau do bệnh gút.
MỤC LỤC BÀI VIẾT
Mất nước
Mất nước gây nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe, và bệnh gút là một trong số những bệnh chịu ảnh hưởng do mất nước. “Mất nước có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và ở những người dễ bị tăng như vậy có thể đóng góp cho một đợt cấp bệnh gút” – TS. Theodore Vanitallie, giáo sư tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ cho biết. Hằng ngày, cần uống đủ nước với 6-8 ly nước lọc mỗi ngày, đặc biệt là nếu bạn đang mắc bệnh gút hoặc có các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn khác của bệnh gút.
Thừa cân béo phì
Thừa cân và béo phì là một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh gút. Nghiên cứu cho thấy, thừa cân và béo phì tạo điều kiện hình thành bệnh gút, do kích thích cơ thể tạo ra acid uric và ngăn chặn sự bài tiết acid uric ra khỏi cơ thể. Nếu thừa cân hay béo phì, giảm cân ngay có thể làm giảm nguy cơ bệnh gút. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chỉ số khối cơ thể (BMI) ở người Nam Á nên từ 18,5 – 23. Nếu chỉ số BMI trên 23 là thừa cân và trên 25 là bị béo phì. Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh là một bước quan trọng để kiểm soát lượng acid uric máu.
Bệnh gút xảy ra do lắng đọng tinh thể acid uric kết tinh ở các khớp và làm tổn thương các khớp.
Mãn kinh
Tăng nguy cơ bệnh gút có thể là một hậu quả không mong muốn của thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân do estrogen – một hormon giúp thận bài tiết acid uric, giảm xuống trong và sau thời kỳ mãn kinh. Tác dụng bảo vệ của estrogen cũng là lý do phụ nữ trước khi mãn kinh ít có khả năng bị bệnh gút so với nam giới. Phụ nữ sau khi mãn kinh nên cẩn thận để tránh các yếu tố nguy cơ khác của bệnh gút. Theo một số nghiên cứu, có thể hạn chế bệnh gút bằng cách tiêu thụ cà phê và vitamin C.
Chấn thương
Một chấn thương nhỏ như va chạm ngón chân cái có thể tạo điều kiện phát triển bệnh gút. Khớp bị chấn thương làm cho acid uric dễ lắng đọng hơn và có thể dẫn đến một đợt cấp của bệnh gút. Thoái hóa khớp, thường gặp ở người lớn tuổi, cũng liên quan với bệnh gút. Vì vậy, cố gắng tránh chấn thương ngón chân hoặc ngón tay, xoắn mắt cá chân hoặc các vi chấn thương liên tục trên một khớp.
Mang giày không vừa, không thoải mái
Mặc dù vẫn chưa có một nghiên cứu về tác dụng của đôi giày với nguy cơ bệnh gút, mang giày không thoải mái không tốt cho sức khỏe, nhất là bệnh tim mạch. Nếu cơ thể đang trong tình trạng có tăng acid uric máu, mang giày chật, không vừa bàn chân và không thoải mái dễ gây những lực nén không tốt trên các khớp bàn chân, tạo điều kiện lắng đọng acid uric ở các khớp bị thương tổn kéo dài do chèn ép, dễ dẫn đến bệnh gút. Phụ nữ nên lựa chọn giày gót thấp để giảm bớt các lực ép trên các ngón chân hoặc hạn chế thời gian đi giày cao gót.
Tiền sử gia đình
Tiền sử gia đình là một yếu tố có tác động lớn đến nguy cơ bệnh gút nằm ngoài kiểm soát của cá nhân. Khoảng 20% bệnh nhân bị gút có tiền sử gia đình mắc bệnh gút. Nếu bạn có tiền sử gia đình bị gút, cần phải nhận thức rõ các yếu tố nguy cơ khác, đặc biệt là khi bạn có tuổi. Đàn ông vào độ tuổi 40 có nguy cơ cao nhất của bệnh gút, phụ nữ sau mãn kinh cũng gia tăng nguy cơ bị bệnh gút. Nên tránh các yếu tố nguy cơ và thực phẩm dễ hình thành bệnh gút.
Thuốc lợi tiểu thiazide
Những loại thuốc uống này làm tăng bài tiết nước tiểu để giúp kiểm soát tăng huyết áp. Do thận kéo chất lỏng ra khỏi cơ thể kèm tăng đào thải acid uric, dẫn đến làm tăng nguy cơ tái tạo của acid uric trong cơ thể và nguy cơ gây ra bệnh gút. Thuốc lợi tiểu thiazide có thể gây ra sự mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể. Các triệu chứng của mất cân bằng bao gồm cảm giác khát nước, khô miệng, buồn ngủ, lú lẫn, co giật, tăng nhịp tim và giảm lượng nước tiểu. Tăng nồng độ acid uric do việc sử dụng các thuốc lợi tiểu thiazide có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch vành và nhồi máu cơ tim (theo HealthCentral.com).
Aspirin
Aspirin, còn gọi acid acetylsalicylic, là một thuốc kháng viêm và giảm đau có thể làm thay đổi nồng độ acid uric máu và hình thành bệnh gút. Dùng liều thấp aspirin, sử dụng không thường xuyên, có thể gây ra sự gia tăng nồng độ acid uric, nhưng với liều cao của aspirin có thể làm giảm nồng độ acid uric máu.
Thuốc chống thải ghép
Thuốc chống đào thải mảnh ghép, như cyclosporin, có thể làm tăng nồng độ acid uric trong máu và làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gút. Các loại thuốc này làm tăng sự sống còn của người đã trải qua phẫu thuật ghép tạng, như tim, thận và tủy xương. Cyclosporine cũng có thể chữa các bệnh như viêm khớp dạng thấp và bệnh vẩy nến. Rối loạn chức năng thận có thể xảy ra khi dùng thuốc chống đào thải mảnh ghép, khi thận bị thương tổn làm mất khả năng loại bỏ hiệu quả acid uric ra khỏi cơ thể, có thể làm nồng độ acid uric máu tăng.