Ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam

65 năm phấn đấu “người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh

(Bqp.vn) – 65 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và chỉ huy Tổng cục Hậu cần; được nhân dân thương yêu đùm bọc, được các ngành, các đơn vị tận tình giúp đỡ; được sự chi viện, hỗ trợ, chỉ đạo nghiệp vụ có hiệu quả của Bộ Y tế; cùng với sự giúp đỡ về kinh nghiệm và vật chất của quân y các nước, Ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện tốt nhiệm vụ chm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa thương binh, bệnh binh (TBBB) và tham gia chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong suốt chặng đường dựng nước, giữ nước vĩ đại của Đảng ta và của dân tộc ta.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tham quan hệ thống máy gia tốc Cyclotron 30 meV tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Ảnh: YHQS).

Giai đoạn 1945 – 1954

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nước Việt Nam độc lập. Chính phủ Việt Nam mới thành lập sau nạn đói làm 2 triệu người chết, nạn lụt mất cả một vụ lúa, với 85% dân số mù chữ và ngân khố vỏn vẹn có 1 triệu đồng bạc Đông Dương rách nát, đã phải đương đầu ngay với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Quân và dân kháng chiến phải rời các đô thị về tổ chức chiến đấu ở các vùng nông thôn và rừng núi. Thiếu vũ khí, đạn dược, trang bị, thiếu lương thực, thuốc men, nhưng nghiêm trọng hơn là thiếu cán bộ, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm về mọi mặt. Trong khi cả nước chỉ có hơn 100 bác sĩ, có tỉnh chỉ có 1 y sĩ.

Sau khi thành lập Chính phủ liên hiệp, ngày 25/3/1946 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34/SL tổ chức lại Bộ Quốc phòng, trong đó có Cục Quân y và cử bác sĩ Vũ Văn Cẩn làm Cục trưởng. Ngày 16/4/1946, Bộ Quốc Phòng ban hành Nghị định số 12/NĐ quy định nhiệm vụ và tổ chức Cục Quân y và các Cục trong Bộ Quốc phòng. Chỉ sau 2 tháng, tháng 6/1946 Cục Quân y tổ chức Hội nghị quân y lần thứ nhất; và đến ngày 09/3/1948 đã tổ chức Hội nghị quân y lần thứ VI. Hội nghị quân y VI là một hội nghị lớn, có đại biểu từ Liên khu IV trở ra; Hội nghị vinh dự được Hồ Chủ tịch gửi thư động viên, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến dự và hướng dẫn về tình hình và nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ coi trọng hoạt động của quân y ở cơ sở. Hội nghị quân y VI đề ra khẩu hiệu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong 20 ngày cuối tháng 6 và đầu tháng 7/1949, Cục Quân y triệu tập hội nghị y tá đại đội, đề cập đến một số vấn đề cơ bản, như: “Người quân y phải nêu cao tinh thần vì bộ đội, vì người binh nhì, vì nhân dân”.

Có thể nói, từ ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945) đến những năm 1946 – 1947, quân và dân ta đã tập trung đánh bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch; từ năm 1948 – 1950, ta chuyển sang phát triển chiến tranh du kích và bắt đầu thực hiện một số cuộc tiến công vận động. Sự chỉ đạo công tác nuôi quân, phòng bệnh dựa chủ yếu vào quyết nghị của các hội nghị quân y về phòng chống sốt rét (Hội nghị quân y IV), về truyền bá vệ sinh (Hội nghị Quân y V và VI) và đặc biệt là 12 điều kỷ luật vệ sinh thông qua tại Hội nghị Quân y V và được phổ biến qua báo Vui sống để toàn quân thực hiện. Bản kỷ luật vệ sinh gồm 12 điều vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung mà đến này vẫn còn nhiều hiệu lực.

Vệ sinh cá nhân:

1. Cắt ngắn móng tay;

2. Rửa tay trước khi ăn;

3. Không để ruồi nhặng đậu vào thức ăn;

4. Không uống nước lã, uống nước chín;

5. Tắm giặt, thay quần áo ít nhất mỗi tuần 1 lần;

6. Tập thể dục mỗi buổi sáng.

Vệ sinh chung:

1. Dùng hai đôi đũa hoặc ăn đũa hai đầu;

2. Không làm bẩn nguồn thức ăn, nước uống;

3. Lấp kín hố phân mỗi khi phóng uế;

4. Những người mắc bệnh truyền nhiễm phải đưa đi bệnh viện hoặc nằm nhà riêng;

5. Lấp các vũng nước tù, khai thông các rãnh nước quanh nhà;

6. Rẩy nước trước khi quét nhà, quét sàn.

Đặc điểm lớn nhất của thời kỳ này là ngành Quân y vừa mới hình thành, cần phải được xây dựng mọi mặt cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Tổng cục Cung cấp, từ chỗ chưa giác ngộ hoặc còn mơ hồ đi đến giác ngộ cách mạng dân tộc, kiên định lập trường kháng chiến lâu dài nhất định thắng lợi, xây dựng quan điểm y học cách mạng, quan điểm phục vụ TBBB, tinh thần lương y như từ mẫu. Đặc biệt trong chiến dịch lịch sử Biện Biên Phủ, quân y đã từng bước phát triển từ y học chung thành các chuyên ngành y học quân sự chủ yếu, như: tổ chức chiến thuật quân y, tiếp tế quân y, ngoại khoa dã chiến, bệnh truyền nhiễm trong quân đội, vệ sinh quân đội, phòng dịch quân đội…; đã tích lũy được nhiều thực tiễn và kinh nghiệm quý báu bảo đảm cho quân đội xây dựng và tác chiến trên chiến trường cả nước, đặc biệt là trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm và rừng núi. Đội ngũ cán bộ quân y, từ một đội ngũ rất nhỏ bé ban đầu, đã trở thành đội ngũ cán bộ đông đảo có phẩm chất chính trị trong sáng, có lập trường cách mạng kiên định, có trình độ khoa học nhất định, bao gồm nhiều lớp cán bộ kế tiếp nhau, lớp cũ đã có nhận thức mới và thử thách trong chiến tranh cách mạng, lớp mới hăng hái nhiệt tình được giáo dục rèn luyện trong chiến đấu, bổ sung cho nhau, tạo ra một sự chuyển biến có ý nghĩa chất lượng trong đội ngũ cán bộ của ngành. Về cơ sở vật chất, đã kiên trì xây dựng, biết bám lấy phương châm tự lực cánh sinh, phương châm cần kiệm xây dựng quân đội, biết tranh thủ viện trợ, quyết tâm và sáng tạo, xây dựng được một cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết phục vụ cho mọi yêu cầu xây dựng và chiến đấu của quân đội.

Giai đoạn 1954 – 1968

Từ giữa năm 1954 đến cuối năm 1964, Ngành Quân y tập trung xây dựng theo hướng chính quy, hiện đại. Ra đời trong cao trào đồng khởi của quần chúng, quân y miền Nam được tăng cường lực lượng ngày càng lớn từ miền Bắc, đã phát triển nhanh chóng trong lực lượng vũ trang ba thứ quân của cuộc chiến tranh cách mạng, cùng toàn dân đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Từ năm 1965 – 1968, Ngành Quân y của cả hai miền Nam, Bắc đã cùng toàn quân, toàn dân chiến đấu cực kỳ anh dũng, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh cục bộ” và “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của chúng đối với miền Bắc. Đã phát triển được đội ngũ cán bộ y, dược đại học và trung học và bắt đầu phát triển đội ngũ cán bộ y, dược sau đại học. Ngành Quân y đã thực hiện một bước cuộc cách mạng về tổ chức và kỹ thuật, từ bảo đảm đơn thuần cho bộ binh và pháo binh đã hình thành nghiệp vụ và khoa học kỹ thuật bảo đảm cho cả ba quân chủng lục quân, hải quân và phòng không – không quân, xây dựng theo hướng chính quy và hiện đại; đã xây dựng và thống nhất tổ chức biên chế từ cơ quan lãnh đạo, chỉ huy, nhà trường đến các đơn vị.

Các điều lệ, chế độ làm việc chính quy đã được xây dựng và thực hiện. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước bạn, Ngành Quân y đã thực hiện một bước đổi mới trang bị kỹ thuật, xây dựng được một số trung tâm khoa học kỹ thuật, góp phần chỉ đạo khoa học kỹ thuật quân y trong toàn quân. Quân y các cấp tiểu đoàn (và tương đương) đã có cán bộ y bậc trung học phụ trách, quân y các cấp trung đoàn (và tương đương) đã có cán bộ y bậc đại học phụ trách. Tất cả các chiến trường đều thực hiện đào tạo quân y sĩ. Chiến trường Nam bộ còn đào tạo cả bác sĩ quân y. Các tổ chức và cán bộ, nhân viên quân y có mặt trên tất cả các chiến trường, trong các đợt hoạt động quân sự tập trung, trong các chiến dịch chủ yếu, trong các trận địa phòng không bảo vệ yếu địa, trên các tuyến đường vận tải quân sự chiến lược… Các tổ chức quân y cùng với các lực lượng y tế nhân dân trên cả hai miền đất nước hình thành thế kết hợp quân – dân y rộng khắp, bảo đảm ở đâu có tác chiến ở đó có cứu chữa y tế, ở đâu có thương binh ở đó có nhân viên y tế phục vụ.

Cùng với sự phát triển của khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự Việt Nam, y học quân sự Việt Nam đã bám sát chiến trường, tiếp cận đội hình chiến đấu, đưa lực lượng và phương tiện kỹ thuật y học ra tuyến trước góp phần giảm thiểu đáng kể tỉ lệ thương vong tàn phế; tổ chức và điều hành lực lượng quân y trong các khu vực bảo đảm hậu cần, tạo ra một mạng lưới y tế thích hợp; những giải pháp tổ chức, khoa học kỹ thuật đồng bộ nhằm chủ động ngăn ngừa và khắc phục hậu quả của bệnh sốt rét và các bệnh truyền nhiễm, giải quyết di chứng vết thương chiến tranh ngay trong điều kiện chiến tranh đang tiếp diễn khẩn trương và ác liệt; tổ chức tạo nguồn cơ sở vật chất kỹ thuật quân y, bảo đảm thuốc và trang bị, cơ bản khắc phục tình hình thiếu thuốc, thiếu trang bị y tế trong chiến tranh, đáp ứng tương đối tốt yêu cầu bảo đảm quân y trong các trận đánh lớn, các chiến dịch tập trung. Những hoạt động nhiều mặt và những thành tựu đạt được đã thực sự đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo của các chuyên ngành tổ chức và nghệ thuật bảo đảm quân y, vệ sinh quân đội, phòng dịch quân sự, nội khoa dã chiến, ngoại khoa chiến tranh, tạo nguồn và tiếp tế vật tư quân y, quân y phục vụ các quân chủng, binh chủng.

Ngày 31/7/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho cán bộ, chiến sĩ quân y. Trong thư của Bác có đoạn: “… Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Ngành Quân y ta đã có nhiều cố gắng và đã lập được nhiều thành tích trong việc cứu chữa TBBB cũng như trong việc giữ gìn sức khỏe bộ đội. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí. Bác nhắc nhở các cô, các chú phải: luôn luôn ghi nhớ rằng người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ TBBB, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Giai đoạn 1969 – 1975

Giai đoạn này, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển đến trình độ cao, là thời kỳ ta thực hiện “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giành thắng lợi trọn vẹn có ý nghĩa chiến lược sâu sắc, thực hiện giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Lực lượng quân y đã tham gia phục vụ tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, cùng toàn dân đánh bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1969 – 1972). Ngành Quân y đã tham gia bảo vệ sức khỏe bộ đội, cứu chữa TBBB trên miền Bắc, tạo nguồn tiếp tế quân y chi viện cho chiến trường miền Nam; tiếp tục mở rộng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân y, tăng cường công tác tổng kết nghiên cứu y học quân sự phục vụ chiến trường. Các Hội nghị dược chính toàn quân (1969), Hội nghị quân y chiến trường (1971) đã tổng kết được những bài học quý báu về công tác bảo đảm quân y trong giai đoạn này. Quân y Đoàn 559 đã đóng góp vai trò to lớn trong nhiệm vụ phục vụ quân, dân miền Nam đánh thắng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, bảo đảm quân y trên trọng điểm giao thông chiến lược. Quân y B2 vượt qua thời kỳ khó khăn quyết liệt, phát triển hoạt động sang Campuchia, cùng quân y B3, B4, B5 góp phần tạo thế và lực mới chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Ngành Quân y còn đồng thời bảo đảm quân y giúp bạn củng cố và mở rộng vùng giải phóng Lào; bảo đảm quân y trong chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai, nhất là trong 12 ngày đêm tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ. Lực lượng quân y đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm quân y cho việc thành lập các quân đoàn, khẩn trương cùng toàn quân tiến hành thắng lợi cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong chiến tranh ác liệt, nhiều kíp mổ đã phải phẫu thuật liên tục 18 – 20 giờ 1 ngày để cứu sống tính mạng thương binh. Bằng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm, bằng tri thức và kinh nghiệm thực tiễn, cán bộ chiến sĩ quân y đã không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, góp phần giữ vững quân số chiến đấu trong mọi tình huống; nhiều ca mổ đã phải tiến hành trong tầm hỏa lực của địch; có phẫu thuật viên đã bất chấp nguy hiểm, kịp thời phẫu thuật lấy đầu đạn chưa nổ trong cơ thể thương binh; nhiều thương binh mất máu, tính mạng bị đe dọa đã được hồi sinh bằng chính dòng máu của các thầy thuốc quân đội. Đội ngũ cán bộ từ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ đến y sĩ, y tá đã có mặt ở khắp các chiến trường, hết lòng tận tụy chăm lo sức khỏe bộ đội.

Mặc dù tỉ lệ thương vong của cán bộ, nhân viên quân y chiếm tới 10% tổng số thương vong chung, nhưng vẫn xây dựng được một mạng lưới cứu chữa hoàn chỉnh, rộng khắp ở phía trước, chuyên khoa sâu ở phía sau, làm giảm tỉ lệ tử vong hỏa tuyến so với tổng số thương vong từ 28 – 32% trong kháng chiến chống Pháp xuống 24% trong kháng chiến chống Mỹ. Quân y các chiến trường miền Nam đã thu dung điều trị hơn 400.000 thương binh và hơn 1 triệu bệnh binh, trong đó 57-66% thương binh và 82 – 88% bệnh binh được bổ sung về chiến đấu ngay tại chiến trường. Hơn 1 triệu TBBB được trả về đơn vị là sự đóng góp to lớn tăng cường sức mạnh chiến đấu tại chiến trường. Bằng tinh thần phục vụ quên mình, bằng tri thức và lao động khoa học kỹ thuật sáng tạo, cán bộ nhân viên quân y đã tìm mọi cách đưa kỹ thuật ra phía trước: các đội phẫu thuật lưu động, các tổ chuyên khoa tăng cường, các cơ số thuốc cấp cứu điều trị sốt rét ác tính, một số kỹ thuật phức tạp (phẫu thuật chuyên khoa) lần lượt được triển khai ở mặt trận góp phần cứu chữa TBBB kịp thời, hạn chế tỉ lệ tử vong do phải vận chuyển về phía sau. Đã đạt được thành tựu xuất sắc trong cứu chữa vết thương chiến tranh như phòng chống sốc chấn thương, xử trí tổn thương xương – khớp, vết thương bụng, ngực, sọ não, bỏng… Các bệnh viện tuyến sau được chuyên khoa hóa sâu, đã nghiên cứu áp dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến nhằm phục hồi khả năng lao động cao nhất cho thương binh như: tái tạo khớp, tái tạo ngón tay cái, tạo hình niệu quản, vá da thẩm mỹ… Đã kết hợp chặt chẽ y học hiện đại với y học cổ truyền trong chẩn trị người bệnh, kế thừa và sử dụng nhiều bài thuốc hay, nhiều kinh nghiệm quý trong điều trị bệnh mạn tính, bệnh chuyên khoa, điều trị vết thương, vết bỏng, ứng dụng có kết quả phương pháp châm cứu trong điều trị, châm tê trong phẫu thuật phức tạp, góp phần nâng cao kết quả điều trị.

Giai đoạn từ năm 1976 đến nay

Từ năm 1976, nhất là trong thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của toàn Ngành Quân y từng bước được đầu tư nâng cấp với các phương tiện hiện đại như: hệ thống cộng hưởng từ (MRI), hệ thống chụp mạch và can thiệp mạch, các hệ thống xạ trị, siêu âm đa chiều, nhiều máy xét nghiệm hiện đại, các trang bị hồi sức tiên tiến… Do vậy, nhiều kỹ thuật mới được triển khai có hiệu quả như: kỹ thuật ghép tạng, kỹ thuật vi phẫu trong chấn thương chỉnh hình và tạo hình, phẫu thuật nội soi… Việc đầu tư trang thiết bị và phát triển kỹ thuật không chỉ ở các cơ sở quân y tuyến sau, mà còn được phát triển từng bước ở các đơn vị quân y tuyến trước. Các đơn vị đủ quân, các vùng hải quân được trang bị khá đồng bộ và thống nhất từ tuyến quân y đại đội, đồn biên phòng đến quân y tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và tương đương. Điều đó thể hiện sức mạnh chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu trong toàn Ngành.

Vấn đề kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại là một nhu cầu thực tiễn của Quân y Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, với phương châm “phổ cập ở tuyến trước, chuyên sâu ở tuyến sau”, từng bước hiện đại hóa trong chẩn đoán, điều trị và sản xuất thuốc. Xây dựng Viện Y học cổ truyền Quân đội theo mô hình viện – trường đáp ứng yêu cầu điều trị, nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ cán bộ; nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã được đưa vào phục vụ bộ đội có hiệu quả. Toàn quân hiện có hơn 1.600 vườn thuốc nam với diện tích gần 40.000 m2 trồng các cây thuốc nam thông thường để hướng dẫn bộ đội cách nhận biết cây thuốc và sử dụng, thực hiện “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”; đặc biệt, Trại Dược liệu của Quân khu 9 vừa là nơi lưu giữ nhiều loại gen quý hiếm, vừa là nơi cung cấp dược liệu và cây, con giống cho các đơn vị và nhân dân.

Nắm vững quan điểm dự phòng trong y học, Ngành Quân y đã thường xuyên củng cố, xây dựng mạng lưới y tế dự phòng vững mạnh trên toàn tuyến, bao gồm Viện Vệ sinh phòng dịch quân đội, Trung tâm Y tế dự phòng phía Nam và 11 Đội Vệ sinh phòng dịch thuộc các quân khu, quân đoàn. Các đơn vị vệ sinh phòng dịch không ngừng được củng cố về tổ chức, đầu tư nâng cấp về trang bị và cơ sở hạ tầng, đã có khả năng chẩn đoán mầm bệnh bằng các kỹ thuật gen, có labô an toàn sinh học cấp III giúp chẩn đoán nhanh, chính xác, kịp thời ngăn chặn không để dịch lan tràn. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua số vụ dịch và quy mô vụ dịch ngày càng giảm rõ rệt. Bệnh sốt rét được khống chế ở mức rất thấp: tỉ lệ sốt rét trong kháng chiến chống Pháp chiếm 35 – 45% quân số, trong kháng chiến chống Mỹ là 25 – 30%, hiện nay chỉ còn dưới 0,02%, tử vong do sốt rét trong quân đội hiện nay là hãn hữu. Tỉ lệ quân số khỏe toàn quân luôn luôn ở mức 98,5% trở lên một cách vững chắc, kể cả ở những vùng còn có nhiều khó khăn và thiếu thốn.

Quán triệt tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và cần kiệm, trong công tác bảo đảm thuốc và trang bị quân y, Ngành Quân y đã bám sát các yêu cầu chiến đấu, cung cấp kịp thời vật chất quân y phục vụ bộ đội. Trong những năm gần đây, nhiều loại thuốc và trang bị mới được nghiên cứu, sản xuất thành công đã kịp thời đưa ra tuyến trước phục vụ bộ đội như các loại thuốc bảo đảm cho các binh chủng đặc biệt, các trang thiết bị y tế dã chiến và nhiều loại thuốc thông thường khác… Năm 1987, lần đầu tiên ở nước ta Ngành Quân y nghiên cứu thành công việc việc chiết xuất Artemisinine từ cây thanh hao hoa vàng điều trị sốt rét kháng thuốc. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm tính chủ động, tính kịp thời các loại vật tư quân y trong mọi tình huống.

Để đáp ứng yêu cầu phục vụ ngày càng lớn, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao của bộ đội, toàn ngành đã kết hợp chặt chẽ vừa phục vụ, vừa xây dựng, từng bước phát triển khoa học y học quân sự. Đã thường xuyên chăm lo đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ không ngừng lớn mạnh với đội ngũ chuyên viên đầu ngành và chuyên viên kỹ thuật đông đảo thuộc các chuyên ngành khác nhau, nhiều đồng chí là chuyên gia giỏi có uy tín khoa học trong và ngoài nước; đồng thời, đã chú trọng xây dựng và chuẩn bị đội ngũ kế tiếp có trình độ chuyên sâu trong tất cả các chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đến nay, Ngành Quân y đã có hệ thống nhà trường hoàn chỉnh đào tạo từ bậc sơ học, trung học, đại học đến sau đại học, đáp ứng được nhu cầu cơ bản về số lượng và chất lượng cán bộ, nhân viên theo yêu cầu phục vụ chiến đấu và xây dựng quân đội trong giai đoạn cách mạng mới.

Toàn ngành đã thường xuyên quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, phát triển kỹ thuật của y học quân sự. Đã có hàng ngàn đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện, trong đó có nhiều đề tài cấp nhà nước và cấp bộ. Các đề tài nghiên cứu khoa học đều hướng vào phục vụ chiến đấu, nâng cao chất lượng điều trị TBBB và bảo vệ sức khỏe bộ đội, nhân dân. Trên 50% đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng có kết quả như xử trí các loại di chứng vết thương chiến tranh, cấp cứu điều trị sốt rét và sốt rét ác tính, nghiên cứu các thuốc từ dược liệu trong nước, các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán, điều trị và đặc biệt đã thành công trong kỹ thuật vi phẫu, can thiệp mạch, sinh học phân tử, ghép tạng (gần đây nhất là trường hợp ghép tim thành công đầu tiên ở Việt Nam, tháng 6/2010) và nhiều lĩnh vực khác. Nhiều hội nghị, hội thảo khoa học các cấp được tổ chức; nhiều đề tài, công trình khoa học được nghiệm thu đánh giá đạt chất lượng cao, có giá trị, trong đó có 3 công trình và cụm công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, 6 công trình và cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước, hàng chục Huân chương, hàng trăm Bằng khen được trao tặng cho các tập thể và các nhà khoa học thuộc Ngành Quân y.

Đặc biệt trong những năm gần đây, toàn ngành đã tập trung vào việc xây dựng chính quy từ công tác quản lý đến các hoạt động kỹ thuật. Nhiều loại tài liệu của ngành đã được biên soạn mới hoặc sửa đổi bổ sung như: 44 chế độ bệnh viện; 25 chế độ bệnh xá; Chức trách nhân viên y, dược trong bệnh viện; Phân cấp nhiệm vụ tuyến quân y đơn vị và tuyến bệnh viện; Điều lệ công tác quân y; Quy chế đào tạo, sử dụng cán bộ nhân viên Ngành Quân y; Quy chế chuyên viên quân y…

Để xây dựng tiềm lực y tế quốc phòng trong thế trận phòng thủ khu vực, ngành Quân y đã kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế nhà nước thực hiện chương trình “Kết hợp quân – dân y xây dựng quốc phòng toàn dân và bảo vệ sức khỏe nhân dân”; phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa đã thực sự để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Những mô hình trạm y tế kết hợp quân – dân y tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, các đoàn kinh tế – quốc phòng và các vùng khó khăn khác, đang là những điểm sáng của y tế cơ sở. Đặc biệt, đến nay trong các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xác định kết hợp quân – dân y là quan điểm cơ bản của ngành Y tế nước ta, và tháng 6/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT-TTg về tăng cường công tác kết hợp quân – dân y trong tình hình mới. Dự án “kết hợp quân dân y” lần đầu được Chính phủ đầu tư kinh phí theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006 – 2010, với mục tiêu “bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội và góp phần củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo” đã thực sự phát huy hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, bảo đảm công bằng xã hội; kết hợp khám, chữa bệnh với thực hiện có hiệu quả công tác dân vận; góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội ở khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn, khu kinh tế chậm phát triển, khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh và xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Trong những năm gần đây, các hoạt động hợp tác quốc tế càng được mở rộng, hiện toàn ngành đã hợp tác với quân y 30 nước, ký biên bản nghi nhớ hợp tác với quân y 9 nước trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đào tạo, trao đổi kiến thức, ứng dụng tiến bộ trong phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, phòng chống thảm họa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị… Thông qua các kế hoạch hợp tác, hàng nghìn lượt cán bộ quân y được đi học tập, tham quan ở nhiều nước đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành. Nổi bật trong các hoạt động hợp tác quốc tế là việc Quân y Việt Nam cùng Quân y Mỹ đồng tổ chức thành công Hội nghị quân y các nước châu Á – Thái Bình Dương lần thứ XV (5/2005) tại Hà Nội với sự tham gia của khoảng 650 đại biểu (hơn 300 đại biểu quốc tế) từ 29 quốc gia và 3 tổ chức y tế trên thế giới; Hội thảo Điều dưỡng Quân y châu Á – Thái Bình Dương lần thứ III (9/2009) với 14 nước tham gia, đã khẳng định khả năng tổ chức, điều hành của Cục Quân y và Ngành Quân y Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế tri thức.

Bằng những cống hiến to lớn, bằng lao động khoa học tận tụy của đội ngũ các thế hệ cán bộ, nhân viên quân y các cấp, toàn ngành Quân y đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 82 lượt đơn vị và 58 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; nhiều đơn vị, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công…; 76 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 14 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, hàng nghìn cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và Nhà giáo ưu tú; hàng nghìn cán bộ, nhân viên quân y được Bộ Y tế tặng Huy chương vì sức khỏe nhân dân. Để xây dựng nên bảng vàng thành tích vẻ vang của ngành Quân y, phải kể đến các thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ quân y toàn quân, trong đó tiêu biểu là cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, cố thiếu tướng bác sĩ Vũ Văn Cẩn – người Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên của quân đội ta, cố bác sĩ Hồ Văn Huê, các cố giáo sư: Hồ Đắc Di, Đỗ Xuân Hợp, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Vũ Công Thuyết, Lê Văn ốc, Nguyễn Sỹ Quốc, Nguyễn Ngọc Doãn, Nguyễn Thúc Mậu, Phạm Gia Triệu, Nguyễn Huy Phan, Đặng Đình Huấn, Phan Hữu Đào, Đặng Hanh Khôi; các cố bác sĩ Võ Cương, Nguyễn Văn Hoa, Đỗ Hoài Nam…; các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Cục Quân y, lãnh đạo chỉ huy các trung tâm lớn của ngành qua các thời kỳ và biết bao cán bộ quân y lão thành, các anh hùng, liệt sĩ của ngành Quân y đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng và cho sự nghiệp của ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những thành tích mà cán bộ, chiến sĩ quân y đã đạt được trong 65 năm qua là rất đáng tự hào, song những nhiệm vụ và yêu cầu tiếp theo trong giai đoạn hiện nay còn rất lớn và rất nặng nề. Những khó khăn, thách thức cơ bản nổi lên trong giai đoạn hiện nay là:

1. Việc chấn chỉnh, quy hoạch hệ thống tổ chức lực lượng ngành chưa đáp ứng kịp với xu thế phát triển; đầu tư trang bị kỹ thuật trên toàn tuyến quân y chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả cao; chế độ, chính sách đãi ngộ với cán bộ quân y bộc lộ những bất cập trong giai đoạn mới;

2. Đối với hệ thống bệnh viện, chưa có những giải pháp đồng bộ phù hợp với giai đoạn hiện nay, từ vấn đề y đức đến chất lượng chuyên môn kỹ thuật, để nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc toàn diện, nhất là cho các đối tượng là sĩ quan cao cấp đương chức hoặc đã nghỉ hưu, những cán bộ đã từng tham gia kháng chiến;

3. Đối với hệ thống y học dự phòng còn bộc lộ nhiều bất cập về khả năng giám sát phát hiện sớm và phát hiện chủ động dịch bệnh; khả năng cơ động và xử trí các dịch bệnh phức tạp, phòng chống khủng bố sinh học;

4. Công tác chăm sóc sức khỏe ở tuyến đơn vị còn thiếu những giải pháp hiệu quả để nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về phòng chống bệnh tật, nâng cao chất lượng quản lý sức khỏe một cách chủ động;

5. Khả năng cơ động, chất lượng xử trí của các phân đội, tổ quân y khi có các tình huống khẩn cấp, tình huống đột xuất, còn hạn chế về cả con người và trang bị;

6. Việc xử lý các chất thải (phân, rác, chất ô nhiễm…) ở các cơ sở quân y, trên các đảo, tại các đơn vị quân đội xa khu đô thị, hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.

 Ngày 16/4/2011 sẽ là mốc thời gian quan trọng đánh dấu 65 năm trưởng thành và phát triển của ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam. Tự hào với truyền thống xây dựng và trưởng thành, bước vào giai đoạn mới dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, toàn thể cán bộ, chiến sĩ quân y nguyện phát huy truyền thống anh hùng, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh để phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm phấn đấu xây dựng ngành theo hướng tập trung, thống nhất; mạnh về tổ chức và khả năng cơ động; giỏi về chuyên môn nghiệp vụ; vững về chính trị, tư tưởng và y đức”.

Đại tá (nay là Thiếu tướng), TS Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục Quân y BQP
Tạp chí Y học Quân sự, số 269 (3+4/2011)
5/5 - (1 bình chọn)